Sau nhiều ngày Tết vệ sinh không kỹ lưỡng khu vực nấu nướng, bạn sẽ rất mệt mỏi khi nhìn thấy những vết cáu bẩn của dầu mỡ hay bụi bám lâu ngày. Chỉ vài mẹo nhỏ trong bài viết dưới đây sẽ giúp bạn nhanh chóng "trút bỏ" gánh nặng này, căn bếp những ngày đầu năm sẽ sạch và đẹp hơn.
Có thể bạn là người dành phần lớn thời gian dọn dẹp nhà bếp với công việc chủ yếu là rửa chén bát, sàn bếp. Tuy nhiên, bạn quên mất rằng tủ bếp cũng cần được chú ý dọn rửa thường xuyên. Đó là nơi mà dầu mỡ, những mảnh vụn thức ăn, thậm chí là hơi nước khi nấu nướng, nơi thu hút vô số bụi bẩn khiến bếp dần dần bị bẩn hơn, xỉn màu và những vệt bẩn bám lại trông rất thiếu thẩm mỹ.
Hãy làm sạch tủ bếp thường xuyên bằng nhiều cách khác nhau bởi đơn giản rằng, khi bạn nhận ra bếp đã bẩn thì đã quá muộn cho việc giữ gìn chúng sáng bóng và mới như ban đầu.
1. Nên dùng dung dịch vệ sinh nhẹ nhàng
Nếu dùng chất tẩy rửa thông thường hoặc bàn chải để làm sạch tủ giống như bạn làm với bồn rửa, chắc chắn phần sơn hoặc lớp màu bên ngoài của gỗ sẽ dễ bị phá hủy. Vì thế, hãy dùng dung dịch vệ sinh loại nhẹ nhàng, pha với nước để tỷ lệ được nhẹ vừa đủ. Có thể pha với nước ấm và dùng bình xịt để dễ dàng lau đi những vết bẩn trên bề mặt tủ.
2. "Ngâm" tủ
Bước đầu tiên này, bạn nên xịt hỗn hợp làm sạch lên một miếng vải sợi nhỏ hoặc giẻ mềm đến khi vải có độ ẩm nhất định. Tiếp đó, bạn lần lượt lau từng cánh tủ và lưu ý giữ được độ ẩm ở bề mặt vừa lau. Đừng quên lau tay cầm hoặc núm mở cửa nếu có.
3. Làm sạch bằng bàn chải đánh răng
Với những loại tủ thông thường có bề mặt phẳng mịn sẽ không cần đến bước này. Tuy nhiên, với những cánh tủ có nhiều góc cạnh, chắc chắn bạn sẽ cần đến một bàn chải đánh răng cũ để nhúng vào hỗn hợp nước vệ sinh để làm sạch các rãnh sâu. Trong trường hợp này, cần chà nhẹ ở những vị trí khó tiếp cận.
4. Làm sạch bản lề
Những phần bản lề của tủ dùng lâu năm chắc chắn sẽ có rỉ sét. Với trường hợp này bạn cần dùng vải khô để lau đi bụi bẩn. Tiếp đó có thể xịt hoặc nhỏ vài giọt dung dịch tẩy lên miếng vải và chà sạch vết bẩn. Cuối cùng là dùng giẻ sạch lau khô.
5. Loại bỏ nước tẩy rửa
Sau khi lau chùi tủ, bạn dùng miếng vải sạch và làm ẩm miếng vải bằng nước ấm để lau lại toàn bộ bề mặt đã dùng dung dịch vệ sinh. Quy trình dọn dẹp nên lau chùi từ trên xuống dưới để tránh để lại bất kỳ giọt nước bẩn nào khi đã lau sạch bên dưới mới bắt đầu làm sạch phần trên.
6. Làm khô tủ sau khi vệ sinh
Lớp sơn của tủ cũng rất dễ bong tróc. Vì thế, hãy dùng miếng vải mềm để làm khô tất cả các bề mặt ẩm ướt, đặc biệt là những bề mặt có độ bóng.
7. Đừng quên làm sạch kính
Khi tủ bếp có lắp đặt kính, hãy xịt vào miếng vải sạch hỗn hợp giấm hoặc chất tẩy rửa chuyên dụng cho kính. Bạn sẽ khá dễ dàng loại bỏ vết bẩn trên kính. Tuy nhiên, sau khi làm sạch bằng nước rửa, hãy lau lại bằng khăn khô để tránh cho kính không bị ăn mòn bởi hóa chất.
8. "Giải quyết" khó khăn bằng baking soda
Nếu vết bẩn khó làm sạch bằng dung dịch tẩy rửa thông thường, bạn có thể dùng bát nhỏ, trộn một phần baking soda với hai phần nước. Tiếp đó dùng miếng vải khô, sạch để nhúng hỗn hợp vừa trộn lên khu vực bị bẩn và chờ trong vài phút. Sau đó lau sạch lại bằng khăn ẩm. Với vết bẩn khó làm sạch có thể lặp lại quy trình và dùng vải chà nhẹ đến khi sạch sẽ. Lau lại một lần nữa bằng miếng vải thấm nước và lau khô bằng vải sợi nhỏ hoặc giẻ mềm
9. Làm sạch sâu định kỳ
Mỗi năm ít nhất 2 lần làm sạch sâu bề mặt tủ bếp để đảm bảo khu vực nấu nướng sạch sẽ, gọn gàng từ bên trong lẫn bên ngoài. Hãy sắp xếp lại các ngăn tủ bếp, bỏ bớt đi những thứ không cần thiết và làm sạch các ngóc ngách của tủ để hệ thống tủ vừa sạch, vừa đẹp, vừa tiện dụng cho cuộc sống thường ngày